Trang chủ / Tin tức & Kiến thức khoa học / Chương trình AVANT: Cơ sở khoa học, Cách thức thực hiện và Ý nghĩa cộng đồng

Chương trình AVANT: Cơ sở khoa học, Cách thức thực hiện và Ý nghĩa cộng đồng

TS. Lê Hoàng Anh

Giám đốc EVER Pharma Việt Nam

Đồng sáng lập viên chương trình AVANT

 

**Bài viết đăng trên Tạp chí Hội Phục hồi chức năng Việt Nam số tháng 4/2017

 

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Những con số biết nói này khiến ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, để giúp họ khắc phục những di chứng và phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội. 

 

Khi khoa học kỹ thuật tiến bộ, người ta áp dụng phương pháp tái thông mạch bằng hoạt chất rTPA giúp tiêu hủy huyết khối hoặc lấy huyết khối bằng các biện pháp cơ học trong điều trị đột quỵ giai đoạn cấp. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn rất hạn chế trên diện rộng do “cửa sổ điều trị” tương đối ngắn của rTPA, chỉ trong 4,5 giờ sau từ khi đột quỵ khởi phát. Chính bởi lý do này mà chưa đến 5% bệnh nhân đột quỵ tại Mỹ được dùng rTPA thành công. Tại Việt Nam, tỉ lệ này còn thấp hơn nữa do điều kiện còn hạn chế. Những bệnh nhân còn lại thường không tránh khỏi những di chứng nặng nề, có nguy cơ tàn tật suốt đời. Vì thế, GS Michael Brainin – Chủ tịch WSO đã khẳng định rằng “tất cả các phương pháp khoa học kỹ thuật mới rất tuyệt vời này sẽ không thể thay thế hay xóa bỏ được nền tảng cơ bản của phục hồi thần kinh.”[1]

Theo GS Micheal Chopp - Giám đốc viện nghiên cứu khoa học thần kinh, Bệnh viện Henry Ford, Mỹ, một phát hiện mang tính nền tảng cho việc điều trị đột quỵ là hệ thần kinh có khả năng tái cấu trúc sau những tổn thương não bằng cách tái sinh lại cả đơn vị thần kinh bao gồm sinh tế bào thần kinh, tân sinh mạch máu nuôi dưỡng tế bào thần kinh và tăng sinh tế bào thần kinh đệm để sửa chữa các sợi thần kinh đã bị tổn thương[2]. Chính khái niệm về tính mềm dẻo thần kinh (neuroplasticity) này đã mở rộng cửa sổ điều trị phục hồi thần kinh sau đột quỵ lâu dài hơn; nâng cao cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân.

 

Có hai phương pháp để kích thích tính mềm dẻo thần kinh chính là sử dụng các loại thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh kết hợp với phương pháp điều trị phục hồi chức năng như Vật lý trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Vận động trị liệu... Các liệu pháp này không chỉ giúp não học tập lại các chức năng đã mất (relearning) mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa thần kinh (neuro-repairing) và thúc đẩy quá trình tái sinh thần kinh.

 

Tổ chức Đột quỵ Thế giới đã khuyến cáo những liệu pháp phục hồi chức năng này cần được tiến hành một cách bài bản 24h sau khi đột quỵ khởi phát, song song với việc sử dụng thuốc dinh dưỡng thần kinh. Trước thực trang bệnh nhân đột quỵ sau điều trị giai đoạn cấp chưa được tiếp cận với các phương pháp trị phục hồi chức năng một cách có hệ thống và bài bản, việc phổ cập các kiến thức, bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân mang một ý nghĩa rất to lớn, không chỉ giúp bản thân bệnh nhân có thể sinh hoạt độc lập, sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường mà còn giúp giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

 

Với hi vọng cùng chung tay với các bác sĩ, kỹ thuật viên đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống hằng ngày, Ever Pharma với sự hỗ trợ chuyên môn của WSO triển khai chương trình AVANT  Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ, phối hợp giữa Việt Nam và Áo. Trước tiên, các nhóm bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành Phục hồi chức năng của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam sẽ sang các trung tâm phục hồi chức năng hàng đầu tại Cộng hòa Áo để được đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ.

 

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Ever Pharma tiếp tục đài thọ cho các bác sĩ và kỹ thuật viên này sẽ đào tạo rộng khắp cho các bác sĩ, kỹ thuật viên ở bệnh viện các tuyến và cả người chăm sóc bệnh nhân. Toàn bộ nội dung chương trình đào tạo được hệ thống hóa phù hợp với từng đối tượng người học, do GS Andreas Winkler, Bệnh viện Bad Pirawarth và GS Bernhard Iglseder, Bệnh viện Christian Doppler – hai chuyên gia đầu ngành về thần kinh và phục hồi chức năng của Áo soạn thảo.

 

Đoàn bác sĩ, kỹ thuật viên Việt Nam sang Áo tập huấn tại bệnh viện Bad Pirawarth

 

Trở về từ khóa học đầu tiên, PGS. TS Lương Tuấn Khanh – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, trưởng đoàn học viên Việt Nam chia sẻ: “Trong 3 tuần học tập tại Áo, chúng tôi không những được củng cố các kiến thức cơ bản mà còn được cập nhất những phương pháp mới hiện đại về phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ. Tôi rất vui mừng khi có thể áp dụng 6 quy trình kỹ thuật và lượng giá để hoàn thiện chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ, dự kiến sẽ được trình lên Bộ Y tế để triển khai trong tương lai gần.”. Các thành viên khác trong đoàn, trong đó có bác sĩ Nguyễn Thị Dung – Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai cho biết họ rất mong muốn được truyền tải các kiến thức bổ ích này đến các đồng nghiệp khác trên cả nước trong các lớp học tại Việt Nam sắp tới.   

 

Đoàn học viên Việt Nam chụp cùng GS Andreas Winkler và kỹ thuật viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bad Pirawarth

 

Bên cạnh đó, Ever Pharma còn biên soạn cuốn sách Phục hồi thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ “Neurorehabilition After Stroke” và video minh họa làm tài liệu cơ bản cho các khóa đào tạo. Cuốn sách sẽ phát tận tay các bác sĩ, kỹ thuật viên và người nhà bệnh nhân, từ đó, giúp phổ biến các kiến thức phục hồi chức năng rộng rãi đến cộng đồng.

 

Ekip các Bác sĩ, Kỹ thuật viên Việt Nam và GS. Bernhard Iglseder tại bệnh viện Christian Doppler.

Đặt lợi ích phục vụ cộng đồng lên hàng đầu, chương trình AVANT luôn mở rộng cánh cửa cho mọi đối tượng bác sĩ, kỹ thuật viên và người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân có nhu cầu được học các kiến thức về phục hồi chức năng sau đột quỵ đều có thể đăng ký tham gia khóa học.

 

Nguồn tham khảo

[1] Michael Brainin, Neurorehabilitation after stroke, Lời mở đầu

[2] Michael Chopp và Yili, Nghiên cứu về Kích thích tính mềm dẻo và sự hồi phục chức năng sau đột quỵ - Liệu pháp Dược lý và Liệu pháp tế bào.